Tin sức khỏe: Mùa hè đến là thời điểm từ người lớn đến trẻ nhỏ đều thích thú khi được thả mình xuống làn nước mát ở những khu vực sông, hồ, bể bơi. Tuy nhiên, vì chưa có sự quản lý chặt chẽ cộng với sự thiếu kiến thức, kỹ năng đã khiến nhiều vụ đuối nước thương tâm xảy ra. Trong 1 tuần gần đây đã có 4 trẻ nhập viện nguy kịch vì đuối nước.

Mấy ngày gần đây trên các phương tiện thông tin đại chúng đã nói đến nhiều trường hợp đuối nước xảy ra rất thương tâm ở lứa tuổi học trò do rủ nhau tắm biển, tắm sông ngòi, ao hồ, trong khi các cháu không biết bơi và không có người lớn giám sát. Theo thống kê, vào mùa hè hàng năm tỉ lệ thương tích xảy ra cho trẻ rất cao, trong đó đuối nước chiếm chiếm gần một nửa và ở nước ta, tỉ lệ trẻ em chết do đuối nước cao gấp 10 lần so với các nước đang phát triển. Thống kê năm 2015 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam có trên 11.500 trẻ em bị chết đuối mỗi năm, cao thứ 2 trên thế giới.

Nguyên nhân dẫn đến đuối nước

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em, trong đó, nguyên nhân phổ biến nhất dẫn tới những tai nạn đuối nước thương tâm là do thiếu sự giám sát của người lớn, sự chủ quan của bố mẹ để trẻ tự do vui chơi tại những khu vực nguy hiểm như: sông, suối, ao, hồ, trong khi các cháu không biết bơi. Bởi vì, mùa hè nóng nực, các cháu học sinh đang dịp nghỉ hè thường tụ tập rủ nhau đi tắm ở biển, hồ, ao, sông, ngòi mà không có người lớn đi kèm. Những gia đình có điều kiện, các kỳ nghỉ nhất là nghỉ hè thường cho con em mình đi tắm biển nhưng thiếu sự kèm cặp, giám sát trẻ cũng để xảy ra tai nạn đuối nước. Mặt khác tai nạn đuối nước còn do trẻ không biết bơi, chưa được dạy kỹ năng đảm bảo an toàn, xử lý tình huống khi bơi và không có kỹ năng cứu bạn khi đuối nước.

Thêm vào đó là do thiếu các điểm vui chơi, giải trí dành cho trẻ em nhất là đối với trẻ ở vùng nông thôn buộc các em thường đi tìm đến các bãi biển, sông suối, ao hồ gần nhà để tắm giải trí mà không có sự quản lý, giám sát của người lớn. Vì vậy, khi gặp nạn lại không biết cách cứu nhau nên hậu quả nặng nề sẽ xảy ra là điều khó tránh khỏi.

Báo động đỏ tình trạng đuối nước ngày hè nắng gắt
Báo động đỏ tình trạng đuối nước ngày hè nắng gắt

1 tuần 4 trẻ đuối nước nguy kịch

TS.BS Tạ Anh Tuấn – Trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Nhi Trung ương) vừa cho biết, từ đầu hè đến này khoa liên tục tiếp nhận nhiều bệnh nhi bị đuối nước phải thở máy trong trình trạng rất nặng. Điều đáng nói là chỉ riêng trong 1 tuần trở lại đây, đã có 4 cháu đuối nước phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch.

“Những trường hợp trẻ đuối nước chuyển đến khoa Hồi sức tích cực phải thở máy đều là những ca nặng, may mắn là 4 ca trong tuần vừa rồi đều đã được cứu sống, trong đó đã có ca được rút ống thở”, BS Tuấn Anh chia sẻ.

Đang chăm con gần 4 tuổi bị đuối nước tại BV Nhi Trung ương, chị T. (ở Bắc Giang) cho biết, con gái chị không biết bơi, nhưng đi theo các anh chị lớn trong làng ra ao chơi, trong quá trình chơi đùa cháu bị trượt chân xuống nước và bị đuối nước.
Mặc dù sau đó được cứu lên kịp thời nhưng con gái chị T. đã đã bị rơi vào trạng thái hôn mê và phải chuyển lên BV Nhi Trung ương cấp cứu.

BS Tạ Anh Tuấn cho biết, trường hợp này hiện vẫn phải thở máy, tuy tính mạng không còn nguy hiểm, nhưng có thể sẽ để lại những di chứng về lâu dài.

Nằm bên cạnh phòng con gái chị T., là cháu Trân Anh D. (7 tuổi) cũng đang phải cấp cứu vì đuối nước. Cháu D. vừa được các bác sĩ rút ống thở vào trưa ngày 2/7, tuy nhiên vẫn cần phải theo dõi trong những ngày tiếp theo.

Bố cháu D. cho biết, nhìn thấy cháu được rút ống thở là thấy mừng rồi, vì như vậy có nghĩa là con trai đã sống sau nhiều ngày hôn mê do đuối nước. Ông bố này cho biết, do sống ở vùng nông thôn, nên con anh thường hay đi tắm sông, hồ và do bơi ra quá xa bị chuột rút nên đã bị đuối nước, sau đó phải nhập viện cấp cứu.

Sơ cứu sai cách là “giết” trẻ

Một vấn đề khiến tình trạng đuối nước nặng thêm, đó là việc sơ cứu đuối nước sai cách, khiến nước sặc vào phổi hoặc lên não rất nguy hiểm.

“Khi các cháu bị đuối nước được phát hiện, thông thường người dân thường bế sốc đứa trẻ lên, dốc ngược đầu các cháu xuống rồi chạy, hoặc quay các cháu …đấy là hành động rất nguy hiểm, khiến tình trạng của trẻ ngày càng nặng thêm.

Bởi khi làm vậy, các dịch ở đường hô hấp sẽ trào ngược và đứa trẻ hít vào sẽ gây sặc, đặc biệt là khi hít các dị vật, thức ăn vào phổi sẽ khiến tình trạng vô cùng nguy cấp”, BS Tuấn Anh khuyến cáo.

Thuộc ngay 5 kỹ năng sống còn này, bạn có thể sẽ không bị đói, khát, rét và đuối nước nữa!

Theo vị trưởng khoa này, sau khi phát hiện trẻ bị đuối nước, cần phải cứu trẻ lên bờ đúng cách như dùng cây dài kéo trẻ vào bờ, nếu biết bơi thì hãy ra cứu để không có ai bị đuối nước thêm.

Khi đã cứu được trẻ vào bờ, phải để trẻ nằm 1 chỗ, tiến hành hô hấp nhân tạo. Nếu thấy trẻ có dị vật ở đường hô hấp cần phải lau thật sạch, sau đó đánh giá xem đứa trẻ có tỉnh hay không tỉnh.

Nếu khi hỏi trẻ không phản ứng, phải tiến hành bắt mạch để đánh giá tình trạng trẻ. Nếu bệnh nhân không thở phải tiến hành hô hấp nhân tạo (hà hơi, thổi ngạt) và ép tim theo chu kỳ, cứ 2 lần thổi ngạt là 15 lần ép tim, làm liên tục như vậy trong hoảng 1-2 phút với 5-6 chu kỳ.

Khi trẻ có dấu hiệu tỉnh lại nhanh chóng đưa trẻ đi đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.

Để hạn chế tình trạng đuối nước xảy ra, BS Tuấn Anh khuyên các gia đình nên chú ý đến trẻ nhỏ, nhất là ở thời điểm mùa hè như hiện nay. Ngoài ra, các nhà trường nên dạy trẻ bơi lội trong chương trình học tập, bởi khi trẻ biết bơi sẽ hạn chế được tình trạng đuối nước.