Đừng chủ quan nếu tự dưng bạn cảm thấy chán ăn… bởi áp lực căng thẳng, những bệnh về tuyến giáp, hay tuyến thượng thận, gan… có thể là những nguyên nhân dẫn tới tình trạng hờ hững với thức ăn của bạn.
Đến một ngày bạn chợt nhận ra cô bạn gái của mình gầy đi trông thấy, thậm chí giờ đây biệt danh “béo” lắp vào sau tên của cô ấy cũng trở nên kệch cỡm, buồn cười. Bạn càng ngạc nhiên hơn khi thấy cô ấy gần như không ăn gì trong mỗi lần tụ tập, hội họp bạn bè. Lý do duy nhất đưa ra là chán ăn.
Trong một phút giây nào đó bạn cảm thấy ghen tị với cô bạn của mình, nhất là khi bạn đang muốn giảm cân. Thế nhưng, khi thấy bạn mình không những không vui mừng vì giảm cân nhanh mà lại thường hay u ê, buồn chán thì liệu bạn có muốn “được chán ăn” như cô ấy hay không?
Các chuyên gia dinh dưỡng không khuyến khích bạn ăn nhiều nhưng để bản thân rơi vào tình trạng chán ăn cũng là điều vô cùng nguy hiểm. Chán ăn không có nghĩa là sẽ giúp bạn ăn ít đi và giảm được cân. Chán ăn có thể xẩy ra với bất cứ ai, bất kỳ lứa tuổi nào, Nếu không tìm hiểu rõ nguyên nhân để tìm ra cách điều trị cụ thể sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đối với sức khỏe của cơ thể.
Ăn uống thất thường được coi là một trong những nguyên nhân gây chán ăn. Mariah Tucker, nghiên cứu sinh tại Đại học Southern Utah cho biết: Nếu bạn ăn uống thất thương, đôi khi cơ thể bạn vẫn lưu giữ thức ăn vì nó không biết khi nào bạn sẽ ăn thêm lần. Cơ thể bạn phải cố gắng điều chỉnh để thích nghi với sự thất thường trong ăn uống này, chính vì vậy có thể kéo theo hệ quả là chứng chán ăn, thậm chí là chán ăn triền miên.
Marlene Veloso, người đồng sáng lập và giám đốc điều hành tại Công ty Curated Care, cũng đưa ra khuyến cáo về nguyên nhân khiến bạn chán ăn liên quan đến bệnh tật, thuốc men hoặc yếu tố môi trường khác.
Áp lực căng thẳng, bệnh về tuyến giáp, tuyến thượng thận, gan… có thể là những nguyên nhân khiến bạn nhìn đồ ăn với thái độ vô cùng hờ hững. Và đây là những nguyên nhân sẽ khiến bạn phải thực sự quan tâm:
Trời quá nóng khiến bạn không muốn ăn
Nhiệt độ cao, nhất là vào những thời điểm nắng nóng kỷ lục, cảm giác ngon miệng của bạn có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nguyên nhân phổ biến nhất là tình trạng mất nước. Do đó, tăng hấp thụ chất lỏng sẽ bù đắp cho bất cứ hao hụt nào thông qua việc đổ mồ hôi.
Bạn thực sự đang gặp áp lực nặng nề
Stress kích hoạt phản ứng “chống hay chạy” của cơ thể, dẫn tới việc giải phóng một dòng thác hormone khiến huyết áp tăng cao, nhịp tim tăng cao và tuần hoàn thay đổi. Những hormone này cũng làm suy giảm cả hệ tiêu hóa.
Bạn đang gặp vấn đề về tuyến giáp
Tuyến giáp, nằm ở cổ, chịu trách nhiệm sản sinh hormone kiểm soát chức năng trao đổi chất. Tuyến giáp hoạt động kém – hay còn gọi bằng thuật ngữ hypothyroidism (suy giảm hoạt động tuyến giáp) – dẫn tới ăn mất ngon, mệt mỏi, nhạy cảm với nhiệt độ thấp và tăng cân.
Dùng một số loại thuốc cũng có thể khiến bạn chán ăn
Một số thuốc kê đơn có thể ức chế cảm giác ngon miệng, bao gồm thuốc chống trầm cảm và thuốc điều trị ung thư. Nếu bạn đang dùng thuốc và bị giảm cân đáng kể, hãy tới gặp bác sĩ ngay.
Những người bị trầm cảm thường mất hứng thú với đồ ăn. Do đó, nếu bạn trải nghiệm cảm giác tâm trạng tụt dốc trong một khoảng thời gian dài hơn, cũng như ăn không ngon miệng, đó có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đang phải đối mặt với điều gì đó nghiêm trọng hơn. Hãy nói chuyện với bác sĩ để xác định vấn đề của bạn là gì.
Bạn bị dị ứng với gluten
Bệnh Celliac – không dung nạp gluten (loại protein có trong ngũ cốc) – thường dẫn tới tiêu chảy, đau bụng và khó tiêu, nhưng cũng có thể khiến bạn ăn gì cũng không ngon miệng. Nếu bạn lo sợ mình có thể quá nhạy cảm hoặc không dung nạp gluten, hãy thử loại bỏ gluten ra khỏi chế độ ăn trong một thời gian ngắn để xem các triệu chứng có được cải thiện không.
Bạn đã bị nhiễm ký sinh trùng
Nhiễm trùng Giardia là bệnh nhiễm ký sinh trùng hiếm gặp của hệ tiêu hóa, gây các cơn đau co thắt, buồn nôn, khó tiêu, mệt mỏi và chán ăn. Người bệnh thường nhiễm ký sinh trùng do uống nước bị nhiễm bẩn và nó hoàn toàn có thể lây từ người sang người.
Bị bệnh đường ruột hành hạ, bạn cảm thấy chán ăn
Các bệnh viêm ruột, như viêm loét đại tràng hay bệnh Crohn, gây viêm đường ruột. Triệu chứng gồm đau bụng co thắt, tiêu chảy, mệt mỏi, thiếu máu và chán ăn. Phần lớn trường hợp, người mắc bệnh ở đầu giai đoạn trưởng thành và nguyên nhân nhiều ca bệnh trong đó vẫn chưa được xác định.
Cơ thể thiếu hụt adrenaline (hormone tiết ra khi con người sợ hãi, căng thẳng…)
Bệnh Addison, còn được biết tới với tên gọi giảm năng tuyến thượng thận (hypoadrenalism), là một bệnh hiếm gặp ảnh hưởng tới tuyến thượng thận – vốn có trách nhiệm sản sinh hormone “stress” như adrenaline. Nó thường bị nhầm lẫn với các bệnh khác có chung triệu chứng: mệt mỏi, chán ăn, yếu cơ và liên tục khát nước. Bệnh nhân phải sử dụng liệu pháp thay thế hormone trọn đời.
Có thể do nhiễm virus
Mất cảm giác ngon miệng là một trong những triệu chứng của bệnh viêm gan – dạng bệnh nhiễm trùng gan do virus, cùng với đau bụng, sốt cao, đau khớp, cơ và vàng da. Thông thường, phổ biến nhất là viêm gan C – nó chỉ lây truyền qua tiếp xúc với máu. Viêm gan A và E, ngược lại, lây truyền qua việc tiêu thụ đồ ăn và đồ uống bị nhiễm bẩn.
Marlene Veloso đưa ra một số lời khuyên để bạn nhanh chóng thoát khỏi chứng chán ăn để khỏe mạnh hơn như sau:
– Ăn thường xuyên hơn.
– Ăn nhiều hơn khi bạn cảm thấy đói.
– Uống nước có chừng mực trong khi ăn để không quá no, ảnh hưởng đến lượng thức ăn tiêu thụ.
– Làm cho bữa ăn hấp dẫn hơn với nhiều màu sắc và họa tiết.
– Dự trữ đồ ăn nhẹ để ăn lúc đói.
– Tránh những mùi có ảnh hưởng tiêu cực đến sự thèm ăn của bạn.
– Bánh mì lạnh có thể cung cấp rất nhiều calo cần thiết và giúp bạn nhanh no.
– Tập thể dục thường xuyên có thể khiến bạn cảm thấy đói và thèm ăn.
– Dùng thức uống bổ sung bổ dưỡng để tăng lượng calo mà cơ thể cần.
– Thêm chất béo và đường vào chế độ ăn uống ở mức chừng mực.
– Dùng vitamin tổng hợp để bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết mà cơ thể cần để cảm thấy tốt hơn.