Đó là tin tức của cặp vợ chồng Anh Thành chị Vui ở Thanh Hóa. Anh chị thuộc diện hiếm muộn vì lấy nhau mãi 4 năm sau mới có con. Chị mang thai 3 và trải qua bao khó khăn để giữ con. Thế nhưng nỗi buồn lại ập tới khi một bé bị nhiễm trùng máu không qua khỏi, còn 2 bé còn lại phải ngày ngày ngóng bố chạy vạy khắp nơi xin sữa về nuôi.

Gần 3 tháng nay, nhiều người dân ở khu xóm trọ gần khu vực cổng Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) không khỏi xót thương, cùng bày tỏ thông cảm mỗi khi nhắc tưới hoàn cảnh của đôi vợ chồng trẻ là anh Vũ Văn Thành (SN 1988) chị Đỗ Thị Vui (SN 1996, trú tại thôn 4, xã Quảng Vọng, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) nhiều ngày nay anh đã phải chạy vạy khắp nơi, kể cả về quê cách 150km để xin sữa nuôi con.

Lấy nhau 4 năm vợ chồng anh Thành vui mừng khi vợ mang thai 3. “Vợ tôi bị buồng trứng đa nang và nội tiết cao nên khó có con. Sau 4 năm lấy nhau mới có thai, lại là đa thai với 3 phôi. Thời điểm đó cô ấy chỉ nặng 42kg nên việc mang đa thai gặp nhiều khó khăn. Hai vợ chồng vui vì cuối cùng cũng có con.

Nhưng vì mang thai ba nên cũng lo lắng về sức khỏe của cả mẹ và con. Được gia đình và các bác sĩ động viện con là của trời cho, cho mình thì mình nên trân trọng nhận lấy, tôi luôn động viên vợ dưỡng thai trong những ngày mòn mỏi chờ con chào đời”, anh Thành tâm sự.

Hành trình tìm sữa cho con
Anh Vũ Văn Thành, người bố phải lặn lội khắp nơi tìm sữa cho con

Sau 29 tuần mang thai, đến ngày 26/2/2018 chị Vui sinh được ba cháu tại bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa, lần lượt nặng 1,2kg, cháu thứ 2 nặng 1kg và cháu út nặng 0,7kg. Thế nhưng khi các con đã lần lượt ra đời thì gia đình anh Thành lại thêm nôi lo khi các cháu đều bị nhiễm trùng máu, cuộc sống ở viện còn nhiều hơn ở nhà.

“Hơn nửa tháng sau, bác sĩ cho biết tình trạng các con tôi nặng hơn nên các cháu chuyển ra Bệnh viện Nhi Trung ương. Một ngày sau khi ra đến Bệnh viện Nhi Trung ương thì cháu đầu mất, bác sĩ bảo lúc đi trên xe thì cháu đã ngừng hô hấp, tim ngừng đập rồi. Dù rất đau đớn nhưng tôi phải chấp nhận để ông bà đưa cháu về quê lo hậu sự”, anh Thành kể.

Cũng theo anh Thành kể lại thì hai cháu còn lại các bác sĩ cũng trao đổi thẳng thắn là đều bị nhiễm trùng máu nặng, tiên lượng xấu. Sau điều trị liệu trình 13 ngày tại bệnh viện Nhi Trung ương, con gái thứ 2 của anh không bị nhiễm trùng máu nữa. Hai vợ chồng vẫn tất tả lo cho đứa con út. Nhưng sau 22 ngày, các bác sĩ thông tin, con gái thứ 2 bị nhiễm trùng máu trở lại. Tuy nhiên rất may mắn rằng hiện tại hai con đã khỏi bệnh.

Hành trình tìm sữa cho con
Ròng rã 4 năm mới có con, tưởng sinh 3 là tốt, ai ngờ hoàn cảnh của anh chị còn khốn khó hơn khi các con đau ốm, một cháu bé mất vì nhiễm trùng huyết

“Niềm an ủi duy nhất lúc này là hai con không bị sao. Vợ chồng tôi đang thuê nhà trọ ở gần bệnh viện để chờ lịch tái khám cho con. Nhìn vợ mới sinh nhưng lo nghĩ nhiều, sức khỏe giảm sút, tôi càng thấy mình bất lực”, anh Thành tâm sự.

Điều đáng buồn hơn là khi hai con nhỏ của anh Thành đang dần phục hồi sức khỏe thì chị Vui lại bị mất sữa. Để có sữa cho con ăn hàng ngày anh Thành phải chạy khắp nơi xin từng giọt sữa cho con. Do phải ăn sữa ngoài, trong khi các cháu hấp thu kém nên các cháu đi ngoài rất khó khăn.

“Tôi thỉnh thoảng cũng về quê vì con tuy mất sau 17 ngày chào đời nhưng cháu cũng đã thành người nên tôi vẫn về hương khói cho con. Hơn nữa, lúc con ăn được sữa mẹ lại là lúc mẹ mất sữa nên tôi về quê cũng để xin sữa mang ra Hà Nội cho các con. Con ăn sữa ngoài lại bị nôn trớ”, anh Thành chia sẻ.

“Ở ngoài này, các mẹ có con ở viện ai cũng muốn xin sữa cho con nên xin rất khó. Cứ khoảng 4 đến 5 ngày tôi lại phải bắt xe khách từ Hà Nội về quê ở Thanh Hóa, tìm đến các gia đình có người vừa sinh để xin sữa, rồi để vào tủ đông sau đó mang ra Hà Nội cho con”, anh Thành ngậm ngùi chia sẻ.

Trong suốt những ngày qua, anh Thành không còn nhớ mình đã lên bao nhiêu chuyến xe từ Hà Nội để về quê xin sữa, rồi lại mang sữa từ quê ra Hà Nội cho con.“Lần tôi xin được cho con ăn nhiều nhất là 7 ngày, ít nhất là 4 ngày. Những người tôi xin ở quê, khi nghe tôi chia sẻ hoàn cảnh họ đều thương và hứa giúp đỡ đến lúc nào thì hay lúc đó. Dù biết chặng đường phía trước còn vô vàn khó khăn nhưng hai vợ chồng chúng tôi sẽ cố gắng để giành giật sự sống cho hai con”, anh Thành chia sẻ.

Hành trình tìm sữa cho con
Ước mong lớn nhất của anh chị là con được khỏe mạnh, dù đánh đổi điều gì anh cũng cam lòng

Chia sẻ về hoàn cảnh của mình, anh Thành bảo, trước đây anh làm thợ hàn, vợ làm công nhân may. Thu nhập trung bình của hai vợ chồng khoảng 7 triệu đồng/tháng. Có bao nhiêu tiền dành dụm được, hai vợ chồng dồn hết để đưa chị Vui đi điều trị vô sinh.

Đến khi các con lần lượt chào đời và mắc bệnh, công việc của hai vợ chồng bỏ hết để bắt đầu cuộc hành trình cũng những đứa trẻ sơ sinh giành giật lại sự sống. Để lo cho các con khi nằm viện điều trị, anh đã phải vay mượn 120 triệu đồng. “Hiện tại, sổ đỏ ở quê cũng mang ra cầm cố ngân hàng. Từ lúc vợ sinh con tới nay, gia đình tôi cũng đi vay khoảng 120 triệu đồng. Công việc ở nhà bỏ bê hết, nhà như nhà hoang.”.

Ước mong lớn nhất của người bố ấy chỉ là có phép màu giúp hai con của anh khỏe mạnh và phát triển tốt. “Chưa khi nào chúng tôi có ý nghĩ bỏ cuộc. Vợ chồng tôi xác định còn nước còn tát dù có khó khăn đến mấy”, anh Thành nói.

Chia sẻ với PV, về hoàn cảnh của gia đình anh Thành, ông Ngô Sỹ Ân -Trưởng thôn xóm 4 (xã Quảng Vọng, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) – cho biết: “Ở địa phương gia đình anh Thành đang ở tạm trong ngôi nhà cấp 4, công ăn việc làm thu nhập cũng không ổn định. Từ khi chị Vui chữa trị bệnh để có thể mang thai thì hoàn cảnh lâm vào khó khăn như bây giờ”.