Tiêu chảy cấp là một trong những bệnh lý vô cùng nguy hiểm cho sức khỏe đặc biệt là với trẻ em. Cùng tìm hiểu mức độ nguy hiểm của căn bệnh này trong bài viết dưới đây nhé!

1. Tiêu chảy cấp là gì?

Tiêu chảy là tình trạng đi ngoài phân lỏng nhiều nước > 3 lần trong 24 giờ. Tiêu chảy cấp là tiêu chảy khởi đầu cấp tính và kéo dài không quá 14 ngày.

Mức độ nguy hiểm của tiêu chảy cấp với trẻ nhỏ
Mức độ nguy hiểm của tiêu chảy cấp với trẻ nhỏ

2. Triệu chứng tiêu chảy cấp ở trẻ

Đi ngoài phân lỏng

Trẻ sẽ đi ngoài ra phân lỏng, nhiều nước, đi nhiều lần trong ngày có thể từ 10 đến 15 lần/ ngày, mùi chua, phân nhầy, trường hợp bị lỵ phân sẽ có nước lẫn máu.

Nôn mửa

Khi bị tiêu chảy, trẻ sẽ có dấu hiệu buồn nôn và nôn ói thường gặp khi bị tiêu chảy do rota virus hoặc do tụ cầu, trường hợp này thường khiến trẻ nôn nhiều trong vài ngày, dẫn đến tình trạng mất nước và chất điện giải. Đồng thời, do bị mất lượng nước lớn nên bé lúc nào cũng cảm thấy khát. Ngoài ra, bố mẹ cũng có thể cho ngón tay sạch và khô trực tiếp vào trong miệng và lưỡi trẻ khi rút ra mà khô thì đó là trẻ bị mất nước.

Kém ăn

Tiêu chảy nhiều ngày còn khiến trẻ bị kém ăn, biếng ăn. Không chỉ vậy, trẻ cón những biểu hiện vật vã, kích thích quấy khóc hoặc mệt lả, li bì hôn mê nếu tình trạng mất nước nặng hoặc sốt do giảm khối lượng tuần hoàn. Bên cạnh đó, khi trẻ khóc to không có nước mắt là bị mất nước trung bình. Mắt có thể bình thường, trũng hoặc rất trũng và khô.

Chân tay lạnh, móng tay có màu tím

Trong trường hợp trẻ bị mất nước nặng và sốc bàn chân bàn tay thường lạnh, ẩm, móng tay có thể màu tím hoặc da có nổi vân tím khi trẻ bị sốc nặng. Cạnh đó, bố mẹ có thể véo vùng da bụng và đùi rồi bỏ ra, nếp hằn da thường mất nhanh, khi nếu nếp véo da mất đi chậm hoặc rất chậm trên 2 giây là biểu hiện của mất nước nặng. Ở trẻ bị mất nước, trẻ sẽ thở nhanh do tăng chuyển hóa ở các trường hợp nước nặng và mạch thường rất nhanh và yếu.

3. Nguyên nhân gây tiêu chảy cấp ở trẻ

Dinh dưỡng không hợp lý

Thức ăn nước uống đúng cách không chỉ giúp trẻ sinh trưởng phát triển khỏe mạnh mà còn giúp ngăn ngừa bệnh tiêu chảy xảy ra. Vì vậy khi trẻ bị tiêu chảy thường là do chế độ ăn ít chất xơ, bổ sung ít rau củ quả và cho trẻ ăn nhiều đồ tanh, chất béo,…

Vệ sinh kém

Việc vui chơi sẽ giúp trẻ thúc đẩy hoàn thiện trí não của bé, tuy nhiên vui chơi khó lòng tránh khỏi việc trẻ tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh là vi khuẩn, virus bám vào tay chân cơ thể. Nếu như vệ sinh không đúng cách thì trẻ dễ bị nhiễm khuẩn gây nên tiêu chảy ở trẻ em.

Sử dụng thuốc không hợp lý

Các loại thuốc như thuốc nhuận tràng hoặc kháng sinh cũng gây ra bệnh tiêu chảy ở trẻ. Với hiện tượng tiêu chảy do thuốc gây ra, cho trẻ uống đủ nước và tiếp tục dùng thuốc nhưng cần tham khảo ý kiến của bác sĩ.

Các nguyên nhân khác

Các nguyên nhân hiếm gặp hơn có thể gây ra tiêu chảy cấp như rối loạn quá trình hấp thu, tiêu hóa, viêm ruột do hóa trị hoặc xạ trị, Bệnh lý ngoại khoa: lồng ruột, viêm ruột thừa cấp, thiếu vitamin, uống kim loại nặng

4. Biến chứng nguy hiểm của tiêu chảy cấp

Mất nước

Người bệnh bị tiêu chảy nhiều, nôn mửa, sốt hay đổ mồ hôi quá nhiều khiến lượng nước, chất lỏng trong cơ thể bị mất đi và cơ thể không thể thực hiện được các chức năng bình thường.

Nếu trẻ bị mất nước nặng sẽ có thêm những dấu hiệu về thần kinh như người lừ đừ, hôn mê li bì hoặc xuất hiện cơn co giật.

Hạ kali máu

Bệnh tiêu chảy cấp chuyển thành tiêu chảy kéo dài có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị đúng cách, kịp thời và một trong đó là tình trạng hạ kali máu. Các triệu chứng hạ kali máu gồm: Người khó chịu, mệt mỏi, yếu cơ, liệt cơ, co cứng cơ, giảm phản xạ, suy hô hấp; rối loạn tiêu hóa như bón liệt ruột, nôn ói; các triệu chứng tim mạch như rối loạn nhịp tim, hạ huyết áp tư thế khiến người bệnh bị ngất xỉu. Tình trạng hạ kali máu dễ dẫn đến suy hô hấp, loạn nhịp tim và có thể gây tử vong.

Suy dinh dưỡng

Tiêu chảy cấp nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời sẽ biến chứng thành tiêu chảy kéo dài và dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em. Trẻ mệt mỏi, biếng ăn, khả năng hấp thu dinh dưỡng kém, trong khi đó mẹ lại kiêng khem, không cho trẻ ăn đầy đủ dinh dưỡng. Do đó, trẻ bị sụt cân, nếu tiêu chảy kéo dài thì trẻ có nguy cơ suy dinh dưỡng rất cao.

Trụy mạch, tử vong

Bệnh tiêu chảy cấp khiến bệnh nhân bị mất nước, nôn mửa, không ăn uống được, gây ra rối loạn điện giải, tụt huyết áp, mệt xỉu, hôn mê. Nếu tiêu chảy cấp không được chẩn đoán, điều trị kịp thời, đúng cách sẽ dẫn đến tình trạng trụy mạch và khiến bệnh nhân tử vong.

5. Cách phòng bệnh tiêu chảy cấp

Vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường sạch sẽ

  • Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
  • Mỗi gia đình có một nhà tiêu hợp vệ sinh, cấm đi tiêu bừa bãi.
  • Đối với gia đình có bệnh nhân tiêu chảy cấp cần rắc vôi bột hoặc cloramin B sau mỗi lần đi tiêu.
  • Phân và chất thải của người bệnh phải đổ vào nhà tiêu, cho vôi bột, cloramin B… vào sau mỗi lần đi tiêu để sát khuẩn.
  • Tránh tập trung ăn uống đông người như ma chay, cưới xin, cúng giỗ.
  • Hạn chế người ra, vào vùng đang có dịch.

Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm 

  • Mọi người, mọi nhà đều thực hiện ăn chín, uống sôi.
  • Không ăn rau sống, không uống nước lã.
  • Không ăn các thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn đặc biệt là mắm tôm sống, hải sản tươi sống, gỏi cá, tiết canh, nem chua.

Bảo vệ nguồn nước và dùng nước sạch 

  • Nguồn nước ăn uống phải được bảo vệ sạch sẽ.
  • Tất cả nước ăn uống đều phải được sát khuẩn bằng hóa chất cloramin B.
  • Cấm đổ chất thải, nước giặt, rửa đồ dùng của người bệnh xuống ao, hồ, sông, giếng. Cấm vứt súc vật chết và rác xuống ao, hồ, sông, giếng.

Ngoài ra nhớ cho trẻ đi tiêm phòng đầy đủ.

Bài viết trên của health247online đã cung cấp thêm thông tin cần thiết về mức độ nguy hiểm của bệnh tiêu chảy cấp với trẻ nhỏ cho độc giả hy vọng sẽ giúp độc giả hạn chế tối đa khả năng mắc bệnh cho con em của bạn nhé!