Khỏe và đẹp: Sống tốt sẽ giúp cho bạn cải thiện chất lượng cuộc sống. Hiện tượng chuột rút thường bất chợt xảy ra ở bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể khiến cho chúng ta bị tê cứng không hoạt động được. Tìm hiểu ngay những phương pháp sau đây để có thể giảm hiện tượng chuột rút.
Ai cũng có thể bị chuột rút. Những người chạy bộ thường bị chuột rút ở chân và bắp chân, người đạp xe thường bị ở đùi. Cơn đau của chuột rút có thể đến bất cứ lúc nào, khi đang vận động lẫn lúc nghỉ ngơi. Chúng thường xuất hiện vào buổi chiều tối hay đêm.
Hầu hết những trường hợp bị chuột rút không cần sự can thiệp y tế. Kéo căng cơ và xoa bóp là hai cách nhanh nhất để cơn đau tan biến.
Phương pháp giảm chuột rút
– Dừng vận động, thả lỏng cơ thể để thư giãn phần cơ bắp đang bị co rút.
– Nhẹ nhàng xoa bóp phần cơ bắp bị đau. Tốt nhất nên dùng dầu nóng thoa lên phần bắp đang bị co rút rồi xoa bóp nhẹ nhàng.
– Nếu chuột rút ở bắp chân: hãy kéo thẳng chân ra đồng thời ấn mạnh phần cuối của bắp chân trên một mặt phẳng cứng, hoặc ngồi trên nền nhà duỗi thẳng chân cho phần bắp chân chạm nền.
– Chuột rút ở bàn tay: Ngón tay nắm chặt bàn tay, hướng ra ngoài, dùng lực bẻ ra trước, làm nhiều lần đến khi hồi phục. Cũng có thể dùng tay còn lại nắm vào tay bị chuột rút, dùng lực bẻ ra sau đến khi khỏi.
– Chuột rút ở cánh tay: Gập khủy tay, đặt tay trước sát cánh tay, dùng lực dãn thẳng, làm liên tục tới khi bình thường.
– Chuột rút cơ bụng: Nằm thẳng hoặc lấy tường làm chỗ vận động phần lưng, có thể kéo dãn cơ bụng, làm lại nhiều lần là được.
– Chuột rút ở hông: Đàn ông khi bị bất ngờ hoặc căng thẳng, dễ bị chuột rút phần hông, nên để hai chân tách ra quỳ sâu, khi quỳ cố gắng giơ cao hai tay lên trên , lặp đi lặp lại là được.
– Chuột rút ở đùi: Gập gối, đặt trước ngực, hai tay ôm lấy cẳng chân, dùng lực ấn nhiều lần, sau đó duỗi thẳng chân, như vậy nhiều lần là được.
– Chuột rút ở bàn chân: Thẳng chân, dùng bàn chân của chân bị chuột rút chống lên gót chân còn lại, nhấc chân không bị chuột rút lên, cố gắng kéo ra sau, cũng có thể dùng tay nắm chặt chân bị chuột rút, dùng lực kéo về hướng ngược lại.
Cách phòng tránh bị chuột rút
Một số bằng chứng cho thấy sự thiếu hụt kali có thể gây ra chứng chuột rút về đêm. Nhiều người đã loại bỏ được chuột rút bằng cách bổ sung các loại thực phẩm giàu kali (chuối, mơ, chà là, nho, đậu, bông cải xanh, bắp cải, cam, bưởi, cà chua, thịt heo, khoai tây, cá ngừ…).
Cũng có thể phòng ngừa chuột rút bằng cách uống nhiều nước, ăn đủ muối khoáng hoặc cung cấp các chất này thường xuyên sau khi ra mồ hôi. Trước khi bơi lội hay hoạt động thể thao, cần khởi động kỹ để điều hòa tuần hoàn máu, tránh tiếp xúc với nước lạnh đột ngột, ăn uống đủ dinh dưỡng để giữ ấm cơ thể.