Tin tức: Theo thống kê gần đây, sản lượng tiêu thụ bia tại Việt Nam lên đến hơn 4 tỉ lít tương đương người Việt Nam mất 100 nghìn tỉ đồng để uống bia mỗi năm.

Tại Hội thảo về cam kết quốc tế của Việt Nam liên quan đến dự thảo Luật phòng, chống tác hại của rượu bia và khuyến nghị của các Tổ chức phi chính phủ đối với Dự án Luật phòng, chống tác hại của rượu bia, ông Nguyễn Huy Quang – Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ Y tế) đưa ra những con số đáng giật mình về sự gia tăng tiêu thụ rượu bia tại Việt Nam.

Theo đó, mức tiêu thụ rượu bia bình quân đầu người (trên 15 tuổi cả hai giới) tại Việt Nam tăng từ 3,8 lít giai đoạn 2003-2005 lên 8,3 lít năm 2016. Mức tiêu thụ này đã đưa Việt Nam xếp thứ hai trong các nước khu vực Đông Nam Á, xếp thứ 3 Châu Á và đứng thứ 64 trên thế giới.

Người Việt Nam mất 100 nghìn tỉ đồng để uống bia mỗi năm
Người Việt Nam mất 100 nghìn tỉ đồng để uống bia mỗi năm

Sản lượng tiêu thụ bia tăng từ 2,8 tỉ lít năm 2012 lên hơn 4 tỉ lít năm 2017. Việt Nam trở thành quốc gia tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á mặc dù mức thu nhập chỉ đứng thứ 8 Đông Nam Á và đứng thứ 3 Châu Á. Chi phí kinh tế cho tiêu thụ bia khoảng 4 tỉ USD (tương đương 100 nghìn tỉ) năm 2017, ước tính gần bằng 7% số thu ngân sách của cả nước.

Ông Nguyễn Huy Quang phân tích: Sử dụng rượu bia có thể tạo thêm gánh nặng kinh tế đối với cá nhân, gia đình và toàn xã hội. Nhiều người kiệt quệ kinh tế vì chi mua rượu bia, tăng chi phí giải quyết hậu quả về sức khỏe liên quan đến rượu bia. Không những thế, rượu bia còn làm giảm hoặc mất năng suất lao động do ốm đau, thương tật và tử vong sớm.

Nói cách khác, rượu bia lấy đi một nguồn tài chính rất quan trọng ở người nghèo, gia đình, cả xã hội nơi người đó sống và là nguyên nhân làm cho tình trạng nghèo đói thêm trầm trọng.

Theo ước tính mỗi năm các doanh nghiệp sản xuất bia, rượu đóng góp cho kinh tế trong nước khoảng 50 nghìn tỉ đồng. Tuy nhiên, Chính phủ lại phải bỏ ra tới 65 nghìn tỉ đồng/năm để khắc phục hậu quả do rượu bia gây ra.

Báo cáo của Viện nghiên cứu phòng chống ung thư cho thấy tổng chi phí trực tiếp và gián tiếp của 6 bệnh ung thư phổ biến ở Việt Nam mà sử dụng rượu bia là một trong những nguyên nhân cấu thành chính lên tới 25.789 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, tổn thất do bị xói mòn về văn hóa, nhân cách, đạo đức, lối sống, và chất lượng giống nòi có nguyên nhân từ sử dụng rượu bia là những gánh nặng xã hội nghiêm trọng không thể so sánh và rất khó lượng hóa.

Dự tính đến năm 2020, sản lượng bia sẽ tiến tới hơn 4 tỷ lít/năm. Nếu người dân còn cho rằng bia ít hoặc không gây độc hại, con số này sẽ thành hiện thực, đồng nghĩa nhiều hệ lụy về sức khỏe, xã hội sẽ bị kéo theo, đáng báo động.

Bà Trần Thị Trang, Vụ phó Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), đã nhấn mạnh truyền thông đang coi bia như là đồ uống giải khát, bổ dưỡng. Điều đó làm cho người dân hiểu rằng bia không có hại cho sức khoẻ, thậm chí có lợi.

Luật pháp của Việt Nam cũng mới chỉ cấm quảng cáo rượu từ 15 độ trở lên, còn các loại bia và rượu dưới 16 độ không được hạn chế về đối tượng tiếp cận, nội dung, thời gian và không gian…

Do đó, các chuyên gia cho rằng việc sớm ban hành Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia là điều rất cần thiết.

"Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng những thông tin được đề cập chỉ mang tính chất tham khảo. Hãy suy nghĩ kỹ lưỡng trước khi quyết định. Đừng bỏ lỡ cơ hội cập nhật thông tin hữu ích bằng cách thường xuyên truy cập vào trang web của chúng tôi."